Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, tam tòa Thánh Mẫu là các vị thần cai quản các miền khác nhau gồm có: miền trời, miền rừng núi và miền sông nước. Mẫu Thoải là vị thánh mẫu thứ ba (Mẫu đệ tam), coi sóc thế giới sông nước. Trên ban thờ Tam tòa thánh Mẫu ta sẽ thấy Mẫu Thoải mặc xiêm y trắng, ngồi bên trái Thượng Thiên Thánh mẫu (Mẫu đệ nhất) Chữ Thoải là đọc chệch từ chữ Thủy (nghĩa là nước). Xiêm y trắng cũng là tượng trưng cho nước, thế giới mẫu cai quản.
Tam tòa Thánh Mẫu trong đạo Mẫu.- Nguồn: Internet.
Đối với cư dân nông nghiệp lúa nước, Mẫu Thoải là vị thần vô cùng quan trọng. Mỗi khi có hạn hán, lũ lụt, Mẫu ra tay cứu giúp, để đảm bảo mùa màng bội thu. Không chỉ vậy, Mẫu còn cứu vớt các vong linh trôi nổi trên các ao hồ, sông nước. Ngoài ra, bà còn dạy dân đóng thuyền bè, đan lưới bắt cá... Bởi vậy, bà được dân gian vô cùng sùng kính và ngưỡng mộ.
Mẫu Thoải – trang phục màu trắng bên trái. - Nguồn: Internet
Quanh vị thánh mẫu này lưu truyền rất nhiều huyền tích về nguồn gốc của bà.
Có thuyết cho rằng bà là con gái của Long Vương. Một ngày nọ, bà gặp Kinh Dương Vương lúc đó đang đi chơi hồ Động Đình. Kinh Dương Vương là con cháu vị Thần Nông, đem lòng yêu mến rồi hỏi lấy bà làm vợ. Sau đó, hai người sinh ra Lạc Long Quân, chính là cha Rồng, tổ tiên của người Việt.
Trong thuyết này lại có dị bản khác cho rằng bà vì lên hạ giới, mải ngao du sơn thủy nên về muộn, vua cha Long Vương đã đóng cửa Thủy cung. Bà đành ở lại, giúp đỡ, phù trợ muôn dân. Cũng trong một dị bản khác, bà được Long Vương gả cho Kính Xuyên (con vị thần Đất), cùng với nỗi oan khuất sau này, mà trong văn thỉnh Mẫu Thoải cũng có một đoạn nhắc đến:
“Thỉnh mời Đệ Tam Thánh Tiên
Xích Lân Long Nữ ngự miền Thoải Cung
Kính Xuyên sớm kết loan phòng
Thảo Mai tiểu thiếp ra lòng gieo oan
Kinh Xuyên chẳng xét ngay gian
Vàng mười nỡ để lầm than sao đành
Lòng trời thương kẻ ngay lành
Xui quan Liễu Nghị nho sinh tìm vào…”
Lại có thuyết khác cho rằng Mẫu Thoải là vợ của vua Thủy Tề. Vua trông coi biển cả, đại dương, còn bà trông coi các việc ở sông suối, ao hồ. Nhưng trong một truyền thuyết khác nữa, bà lại là hóa thân của ba công chúa của Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Hình ảnh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ được thể hiện qua nét vẽ của tranh Hàng Trống với trang phục
màu trắng của miền nước. - Nguồn ảnh: nghệ nhân Lê Đình Nghiên và Nhà Hát Việt
Dù nguồn gốc của Mẫu Thoải như thế nào, thì tựu chung lại cũng chính là cách người dân đất Việt, nơi “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” tôn vinh vị thần của sông nước. Nói rộng ra, đó là cách con người vật chất hóa tình cảm của mình với tự nhiên, nhân hóa tự nhiên để tự nhiên gần gũi với đời sống con người, không chỉ đời sống sản xuất mà còn trong cả đời sống chiến đấu.
Thậm chí, cũng như các vị Thánh Mẫu khác, Mẫu Thoải còn đi vào sử sách nước Việt như một vị thần phò trợ triều đình đánh đuổi giặc ngoại xâm, vẫn còn lưu dấu tích là các đền thờ ở ngày nay. Như đền thờ Xâm Thị và đền Dầm ở vùng Thường Tín – Hà Tây (nay là Hà Nội) để tưởng nhớ công lao bà giúp đỡ nhà Trần chống giặc Nguyên Mông. Hay đền Mẫu Thác Hàn (Hàn Sơn) ở Thanh Hóa có sau khi bà hiển linh giúp vua Lê Lợi.
Ngoài ra ở nhiều nơi trên đất nước còn có nhiều ngôi đền thờ Mẫu Thoải khác, thường ở các vùng dọc sông nước. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là nhóm đền Hạ (đền Tam Cờ), đền Ỷ La, và đền Thượng (đền Dùm) tại Tuyên Quang, một trong những nơi phát tích của bà.